Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là một trong những nội dung cơ bản để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Lợi dụng những khó khăn của kinh tế nhà nước hiện nay và chủ trương coi “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước.

           Chúng ta đều biết rằng, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta chủ trương: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (1) Thực hiện chủ trương đó Kinh tế Nhà nước (KTNN) và Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế; trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện vai trò quan trọng trong ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, bảo toàn và phát triển các nguồn lực vật chất trong nền kinh tế; là lực lượng chủ yếu hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới, đầu tư vào những lĩnh vực, các công trình trọng điểm quốc gia cần vốn lớn, có thời gian thu hồi vốn chậm. KTNN và DNNN là đội quân chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu (năm 2008 – 2010) đến nền kinh tế nước ta.
          Khẳng định vai trò và những kết quả quan trọng đã đạt được của KTNN và DNNN, chúng ta cũng không phủ nhận những hạn chế, yếu kém của nó. Đó là sự yếu kém của một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) và các tổng công ty nhà nước (TCTNN) thuộc sở hữu nhà nước. Biểu hiện cụ thể là: Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất còn thấp; sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, thua lỗ, hiện đang là “vấn đề nóng”; cổ phần hóa (CPH) DNNN diễn ra chậm, có nhiều lỗ hổng, làm tiền của, tài sản của Nhà nước bị thất thoát; tình trạng đặc quyền, đặc lợi, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu, làm méo mó quan hệ thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hạn chế sự cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế… Những yếu kém, hạn chế của KTNN và DNNN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính, tạo ra ảnh hưởng không tốt đến sự đánh giá và nhìn nhận của xã hội về vai trò chủ đạo của KTNN. Cũng từ đó, các thế lực thù địch đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của KTNN, đòi tư nhân hóa hết các DNNN.
          Từ thực tế đã nêu, chúng ta cần có cách nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ hơn về KTNN, cả ở trong nước và ngoài nước. Ở các nước tư bản phát triển cũng có KTNN và DNNN được xây dựng trên sở hữu nhà nước tư bản độc quyền. Dĩ nhiên, họ không xác định KTNN giữ vai trò chủ đạo, bởi lẽ, kinh tế TBCN dựa trên chế độ sở hữu tư nhân TBCN và đương nhiên kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân là chủ yếu, là nền tảng. Trong nền kinh tế TBCN, cũng có những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thành đạt và cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ, phá sản… Ở Mỹ, tính đến tháng 12 năm 2016 có đến 13% các công ty trong ngành năng lượng phá sản(2).
            Ở nước ta, không phải tất cả các DNNN đều hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh một vài TĐKT thua lỗ, hoặc lãi không nhiều do đặc thù sản xuất, kinh doanh, vẫn có khá nhiều TĐKT, TCTNN hoạt động thực sự có hiệu quả, như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất… Ngược lại, cũng không phải tất cả các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều hoạt động có hiệu quả. Sự phát triển lệch lạc của khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm cho nó phát triển không bền vững, không phù hợp với tăng trưởng xanh và phát triển hài hòa với các lợi ích xã hội.
            Như vậy, lẽ đương nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần KTNN trong nền KTTT định hướng XHCN. Để làm được điều đó, một mặt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và các chủ trương, giải pháp sát thực, tính khả thi cao; mặt khác, phát huy vai trò tích cực, chủ động, nhạy bén, sáng tạo của các DNNN trong sản xuất, kinh doanh. 
            Trước hết, phải nhận diện đúng thành phần KTNN, từ đó kiên trì quan điểm “KTNN giữ vai trò chủ đạo”. 
            Thứ hai, tiếp tục,sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
          Thứ ba, đổi mới cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước và cơ chế giám sát hoạt động các DNNN.
            Thứ tư, đẩy mạnh cải cách quản trị DNNN, hướng vào hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, mô hình hoạt động của TĐKT, đảm bảo kinh doanh lành mạnh theo cơ chế thị trường, như: giảm tối đa tính độc quyền của các TĐKT, TCTNN.
            Thứ năm, nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT định hướng XHCN. 
            Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, giải pháp trên, sức mạnh của KTNN sẽ được phát huy, bảo đảm giữ vững vai trò chủ đạo trong định hướng XHCN nền KTTT ở Việt Nam. Đó cũng là minh chứng bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch hòng phủ nhận vai trò chủ đạo của KTNN trong nền KTTT định hướng XHCN của chúng ta.

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét