Ngày 18-8 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt các bộ sách quý về văn hóa, khoa học xã hội và biển đảo, trong đó đáng chú ý là bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập. Đây là bộ sách bao quát lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học chủ trì thực hiện.
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, đây là bộ Thông sử Việt Nam lớn nhất, đồ sộ nhất từ trước đến nay, với nội dung Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập và hiểu biết về lịch sử Việt Nam.
Bộ sử mới này có những nhận thức mới theo quan điểm khách quan, tôn trọng sự thật rất đáng hoan nghênh như phần viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, là cuộc chiến do Trung Quốc phát động đánh vào Việt Nam đầu năm 1979 – đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, trong sách giáo khoa hiện nay chỉ có 8 dòng đề cập đến chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam trước quân Khơmer đỏ Campuchia.
Tuy nhiên, một tác phẩm đồ sộ như vậy, cũng đồng thời là một chương trình khoa học cấp Nhà nước nhưng lại có những “tảng sạn”lớn hết sức đáng tiếc – đó là việc các vị GS, PGS, TS sử học hàng đầu nước nhà khi viết phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 đã thay các từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” của chế độ Cộng hòa Sài Gòn bằng các từ “chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn”, càng đáng tiếc và đáng nói hơn đây cũng là phát ngôn của phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi giới thiệu bộ sách với công chúng.
Về vấn đề này tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn khi ông phát biểu nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám: “Tự hào về sự kiện này bao nhiêu tôi càng cảm thấy bị xúc phạm bấy nhiêu khi Hội khoa học lịch sử Việt Nam vừa được ông PGS, Tiến sĩ , Chủ tịch Hội giới thiệu về Bộ lịch sử Việt Nam…”.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cả thế giới biết đến Hiệp định Giơnevơ 1954 mà theo đó, Việt Nam dân chủ Cộng hòa được công nhận là một thực thể chính trị với chính quyền hợp pháp quản lý lãnh thổ kể cả biển phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước (và chỉ là đường ranh giới tập kết tạm thời của 2 lực lượng, vĩ tuyến 17 không phải là đường biên giới). Chính “ngụy quân”, “ngụy quyền” tay sai Ngô Đình Diệm đã xé bỏ Hiệp định, không thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo kế hoạch vào năm 1956 dẫn tới đất nước bị chia cắt 21 năm trời và biết bao xương máu con người Việt Nam đã đổ xuống để có ngày đại thắng.
Tội ác của “ngụy quân”, “ngụy quyền” không bút nào tả xiết, vậy mà giờ đây qua bộ sử mới, các học giả, các tri thức hàng đầu về Sử học nước nhà lại có thể “đánh bùn sang ao, vàng thau lẫn lộn sao? . Ngay cả cây đại thụ Sử học nước nhà Dương Trung Quốc cũng phát biểu “Tôi cho rằng việc làm này không phải là sự đảo lộn gì ghê gớm, mà vấn đề là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại”, nói như vậy có phải là bao biện không? Và phủ nhận sạch trơn quá khứ, và khác nào giờ đây giới nghiên cứu thừa nhận công khai rằng “ngụy quân”, “ngụy quyền” là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và sánh ngang với Việt Nam dân chủ cộng hòa trong lịch sử?
Một điều khó chấp nhận nữa, khi giải thích thay đổi cách nói như vậy “là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại”. Chả lẽ vì lợi ích hiện tại mà ta sẵn sàng bán rẻ, phủ nhận quá khứ sao? Và để phục vụ cái gọi là lợi ích hiện tại thì có thể bóp méo sự thật hay sao?
Đáng buồn hơn nữa khi đọc bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ đăng hôm 20/8 với tít “Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là bước tiến quan trọng”, của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bình luận rằng việc bộ sử Việt Nam mới thừa nhận chính thể tại miền nam Việt Nam trước 1975 là việc làm “có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam” ở Biển Đông.
Thưa ông Nhã, chủ quyền Biển Đông của chúng ta được xác lập từ thời nhà Nguyễn. Từ thời các Chúa Nguyễn chúng ta có bằng chứng, thời Hoàng đế Gia Long chúng ta có bằng chứng, thì tất cả các giai đoạn lịch sử sau là sự nối tiếp kế tục của nhau. Cho nên phải có đủ tiếng nói mang tính chất đại diện của lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc. Chứ đâu phải phụ thuộc vào cái gọi là chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Đã là người viết sử, làm sử thì cần phải có cái tâm thật trong sáng, hãy chỉ viết ra những gì là sự thật khách quan đã từng tồn tại. Cảm ơn bác Nguyễn Thanh Tuấn đã lên tiếng về một số nội dung trong bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập mới ra đời vừa qua với sự thẳng thắn, sâu sắc, có lý có tình và đi vào lòng người bởi bác đã tôn trọng và nói lên sự thật của lịch sử.
NHN
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét