Xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), cái tên vốn rất bình dị, thể hiện tinh thần đoàn kết và khát vọng của người dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, Thôn Hoành (xã Đồng Tâm) những ngày này được nhắc đến rất nhiều, thu hút sự quan tâm của dư luận bằng những hành động không “bình dị”. Vấn đề do đâu và những hành động của người dân có đúng không?
Nguyên nhân: Bản chất của vấn đề là do chính quyền địa phương các giai đoạn trước tiếp tay cho người dân vi phạm pháp luật. Họ đã hợp thức hóa đất quốc phòng (từ năm 1980) thành đất sở hữu tư nhân cho một số hộ gia đình với diện tích lên đến hàng chục ngàn m2. Các hộ này sau đó đã chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng cho con cháu. Các con cháu của họ tiếp tục chuyển nhượng cho người mua khác trên những những thửa đất vốn bất hợp pháp. Từ những sai phạm không được giải quyết triệt để kéo theo hàng loạt vấn đề khúc mắc nảy sinh liên quan đến chỉ giới cắm mốc, quyền lợi đền bù giữa cá nhân và tập thể,... dẫn đến khiếu kiện kéo dài, làm bùng phát sự việc đáng tiếc hiện nay.
Hành vi vi phạm pháp luật:
Một là, cản trở việc đo đạc, gây khó khăn khi giải phóng mặt bằng tại khu vực có 14 hộ dân đang sử dụng.
Hai là, tụ tập đông người, tổ chức nhiều hoạt động gây mất trật tự khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Thậm chí diễn trò ăn vạ, tạo cớ kích động sự phẫn nộ của người dân lên cao.
Ba là, chống người thi hành công vụ, bắt giữ lực lượng chức năng làm con tin để gây áp lực với chính quyền thành phố. Thậm chí khi mà người đứng đầu thành phố với tinh thần thiện chí đã về tận nơi mời đối thoại với người dân, nhưng nhiều người bị bắt vẫn chưa được thả.
Những hành vi trên tùy mức độ cụ thể có thể bị phạt như sau:
- Nếu chỉ là vi phạm hành chính thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền được quy định từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Nếu hành vi đó cấu thành tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 thì theo Điều luật này, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì sẽ bị phạt đến 7 năm tù;
- Nếu hành vi đó có mục đích chống chính quyền nhân dân thì những hành vi kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức cấu thành tội phá rối an ninh được quy định tại Điều 89 Bộ luật Hình sự 1999 và có thể bị phạt đến 15 năm tù.
Ngày 20/4/2017, Chủ tịch TP. Hà Nội về UBND Mỹ Đức mong muốn đối thoại nhưng người dân thôn Hoành chưa hưởng ứng. Ngay trong ngày, TP. Hà Nội chính thức ra quyết định 1211 về việc thanh tra, kiểm tra toàn diện các vấn đề có liên quan đến khiếu kiện kéo dài để giải quyết dứt điểm. Phương án giải quyết của chính quyền đang đạt được sự đồng thuận của người dân. Kết quả sẽ được sáng tỏ, nhưng trước hết người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm nên dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên./
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét