Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và bị cáo Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, theo Điều 258, Bộ luật Hình sự, vừa khép lại. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm với mức án 5 năm tù giam đối với Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm tù giam đối với Nguyễn Thị Minh Thúy.
Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu không có chuyện mấy ngày qua, trên một số trang mạng ở nước ngoài đã đăng ý kiến của một vài tổ chức, cá nhân cho rằng: Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vô tội; bản án mà tòa đưa ra là trái luật... Giọng điệu trên chứng tỏ những tổ chức, cá nhân đưa ra ý kiến chẳng hiểu gì về pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế.
Điều 258, Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 quy định về: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, đã nêu rõ: “1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Theo hồ sơ vụ án, từ đầu năm 2014, Vinh đã lập ra blog "Chép sử việt" và blog "Dân quyền". Để duy trì hoạt động của hai blog này, Vinh đã cung cấp mật khẩu truy cập và chia sẻ cho bị cáo Thúy một số quyền quản trị... Theo xác định của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2014 đến khi bị bắt, trên hai blog này Vinh đã đăng hơn 2.000 bài viết, trong đó có 24 bài có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước... Hành vi của Vinh và Thúy rõ ràng đã vi phạm Điều 258, Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam.
Không chỉ vậy, hành vi của Vinh và Thúy cũng không phù hợp với Công ước quốc tế. Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 và có hiệu lực từ ngày 23-3-1976 quy định: "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận" và: "Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ." (Điều 29 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị).
Trên thực tế, không một quốc gia nào trên thế giới này có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, quyền này thường được hạn chế bởi các quy định của pháp luật phù hợp với thực tế của từng quốc gia. Ở Việt Nam, mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Công dân không được lợi dụng quyền này để thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia... Mọi hành vi trái với các quy định đó đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Rõ ràng, những hành vi của Vinh và Thúy đã vi phạm pháp luật Việt Nam và không phù hợp với Công ước quốc tế. Hành vi ấy không chỉ gây hoang mang trong dư luận; ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, gây nhiễu loạn xã hội mà còn gây ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc... Do đó, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đưa Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy ra xét xử và tuyên phạt mức án như đã nêu là hoàn toàn đúng luật pháp.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét